Film review

[Review] Bao Thanh Thiên 1993 – Ngũ Thử náo Đông Kinh (Vụ 41)

*** Phần nội dung được viết vừa đủ để hình dung bối cảnh phim mà không spoil đoạn kết. Những chi tiết có khả năng spoil trong phần bình luận sẽ được báo trước và viết màu đỏ ***

***Nói luôn là mình ức chế phần phim này cực kỳ. Thế nên bài review này có khá nhiều nhận định mang tính chủ quan, viết với giọng điệu có phần mỉa mai đả kích. Fan của vụ này tốt nhất là không nên đọc***

Tên chiếu ở Việt Nam: Ngũ Thử đại náo Đông Kinh
Số tập: 5 (45 phút/tập)
Biên kịch: Trần Văn Quý
Đạo diễn: Tô Nguyên Phong
Diễn viên chính:
Địch Oanh – vai Mạnh Xuân Ni
Điền Phong – vai Mạnh lão tiền bối
Cố Quán Trung – vai Cẩm Mao Thử – Bạch Ngọc Đường
Trương Quốc Trụ – vai Toàn Thiên Thử – Lư Phương
Ngô Nguyên Tuấn – vai Triệt Địa Thử – Hàn Chương
Bàn Tam – vai Xuyên Sơn Thử – Từ Khánh
Lục Nhất Long – vai Phiên Giang Thử – Tưởng Bình
Lưu Tú Văn – vai Cửu Vĩ Hồ
Tạ Bình Nam – vai Sa Thiên Lý

***

Nội dung

Năm anh em Ngũ Thử (5 con chuột), nổi tiếng với võ nghệ và sự hiệp nghĩa trên giang hồ, đang có mặt ở Đông Kinh để vây bắt hai tên yêu nhân ác tặc là Sa Thiên Lý và Cửu Vĩ Hồ để trị tội chúng vì những tội ác trước đây. Vừa hay hai tên này cũng là những tội nhân mà phủ Khai Phong đang ráo riết truy lùng. Bắt được Sa Thiên Lý, Triển Chiêu và Ngũ Thử đối đầu nhau trong việc giành giật quyền được xử tội phạm nhân.

Cùng lúc đó Mạnh lão tiền bối, sư phụ của Triển Chiêu và con gái Mạnh Xuân Ni đang trên đường đến Khai Phong để… hỏi cưới Triển Chiêu. Cũng nói thêm là trong khi đụng độ với Cửu Vĩ Hồ, Triển Chiêu đã bị trúng độc thủ của mụ. Độc khí đang phân tán khắp cơ thể và anh biết mình không còn sống được bao lâu nữa. Mạnh lão tiền bối quyết định dùng hết công lực 60 nãm tu luyện của mình để ép chất độc trong người Triển Chiêu ra ngoài. Sau khi cứu được Triển Chiêu, ông cũng mất hết võ công. Trong lúc sức khoẻ chưa ổn định, ông vẫn đích thân đến gặp Bao Công xin… làm mối cho Triển Chiêu và Xuân Ni.

Lấy lí do muốn tập trung vào việc công, Triển Chiêu từ chối lời đề nghị. Mạnh lão tiền bối giận dữ bỏ đi, cùng con gái trú nhờ ở một quán trọ và tình cờ làm quen với Ngũ Thử. Cũng chính ở quán trọ này mà Sa Thiên Lý và Cửu Vĩ Hồ đã tìm đến, hại chết ông và làm giả huyết thư trên tường để đổ vạ cho Triển Chiêu…

***

Bình luận

Phần phim này thực sự là tổ hợp đông đảo nhất của những nhân vật có khả năng gây ức chế cao, vừa xem CL vừa bực mình về độ nông cạn của họ. Số một đích thị là Cẩm Mao Thử – Bạch Ngọc Đường. Giữ một mối hằn học mà CL cho là nhỏ nhen đối vói Triển Chiêu, Bạch Ngọc Đường trong cả phần phim cũng không hề có cái hào sảng, điềm đạm, ung dung của bậc đại hiệp như cái danh xưng mà anh ta đang mang. Mồm miệng chua ngoa, đanh đá, lời lẽ đầy giọng điệu vu khống, thiếu suy nghĩ, hở ra là động tay động chân, hung hăng nóng nảy. Thứ hai là cha con Mạnh Xuân Ni. Hồn nhiên và ảo tưởng một cách rất khó đỡ, họ tự cho mình cái quyền được độc chiếm Triển Chiêu làm « giai nhà mình ». Suốt 10 năm, những khoảnh khắc Triển Chiêu vào sinh ra tử không hề thấy mặt họ, đùng cái đến phủ Khai Phong hỏi… cưới??? Đến nơi cũng không thèm dò la tin tức, thám thính động tĩnh của đối phương, xông vào đánh úp Triển Chiêu làm anh phải từ chối, tự nhận lấy sự bẽ bàng cho mình. (Mà buồn cười hơn nữa là ông bố còn cho Xuân Ni ra « hỏi ý » với Triển Chiêu trước? WTF, tư tưởng kiểu tân cổ giao duyên hử?) Và điều khiến tôi điên nhất là cái sự « nhận vơ » có phần… vô duyên của Xuân Ni:

Xuân Ni: Phải chăng huynh đã có ý trung nhân?

Triển Chiêu: Không phải!

Xuân Ni (tủm tỉm): Muội biết là huynh không phải loại người thay lòng đổi dạ mà!

Ôi trời đất thánh thần! 10 năm không gặp mặt, hai người cũng chả có đính ước hẹn thề gì, dựa vào đâu mà cổ tự cho Triển Chiêu là « của riêng » vậy? Triển Chiêu từng có một người vợ chưa cưới đã qua đời là Nguyệt Nương (Hồng Hoa Ký), hơn nữa còn có một mối duyên tình dang dở nhưng đẹp tuyệt vời với Chúc Thái Vân (Huyết Vân Phan truyền kỳ), Mạnh Xuân Ni này tuổi gì mà lanh chanh? Ông cụ thân sinh của cô này cũng ảo tưởng một cách vô lí: « Ôi Bao đại nhân này sao lại lo lắng chuyện không đâu (ý nói Bao Công lo rằng Triển Chiêu chỉ muốn tập trung làm việc công chứ không nghĩ đến chuyện lập gia đình)! » Và rồi đến lúc vỡ mộng thì tức giận bỏ đi để rồi chuốc hoạ vào thân.

Thứ ba là những thành viên còn lại trong Ngũ Thử. Trừ Toàn Thiên Thử Lư Phương khá điềm đạm, bản lĩnh và ra dáng đại hiệp, ba người Hàn Chương, Tưởng Bình, Từ Khánh đều lôi thôi, nông cạn và thiếu tế nhị, gọi là chuột nói thực cũng chẳng oan. Sau khi Mạnh lão tiền bối bị yêu quái sát hại, tất cả những nhân vật khó đỡ trên đều chĩa mũi dùi vào Triển hộ vệ, một mực đổ tội cho anh mà chẳng suy xét đến sự xác đáng của những lời buộc tội. Thêm vào đó, những mưu mẹo của Sa Thiên Lý và Cửu Vĩ Hồ nhằm gây mâu thuẫn, hiểu lầm giữa Triển Chiêu và Ngũ Thử thực sự chả khác gì trò trẻ con, thế mà đã đủ khiến Ngũ Thử máu dồn lên não đòi đi tính sổ với Triển Chiêu. Các anh đã dần dần để lộ bằng hết IQ của mình cho thiên hạ thấy nó cao từng nào rồi đấy ạ!

Kịch bản của Ngũ Thử náo Đông Kinh không chỉ dừng ở việc xây dựng những nhân vật « dở hơi bơi ngửa » mà còn cho thấy sự non tay và vụng về ở cả khâu mở đầu lẫn khâu mở nút thắt, giải quyết tình huống. Theo cảm nhận của mình, mở đầu với phần chạy chữ  và thuyết minh giới thiệu tên thật và biệt danh của từng người trong Ngũ Thử đã là quá ổn, không có lý gì lại cần phải thêm vào phân cảnh Triển Chiêu cùng Trương Long, Triệu Hổ rình Ngũ Thử trên phố, hai ông Long, Hổ không biết mặt mũi Ngũ Thử ra sao mà chỉ trúng phóc từng người họ trong số bao nhiêu là dân chúng kinh thành, với cùng một kiểu hỏi rất « Ba ơi nhìn kìa! » của một đứa trẻ 5 tuổi theo cú pháp:

Long/Hổ: Triển hộ vệ, nhìn xem, người kia khả nghi/bất thường quá!

Triển Chiêu: Đó là XYZ – ABC đó!

Trong đó XYZ là biệt danh (Toàn Thiên Thử/Triệt Địa Thử, v.v.), ABC là tên thật (Lư Phương/Hàn Chương, v.v.) của nhân vật được Long/Hổ chỉ.

Ngũ Thử náo Đông Kinh là vụ cuối cùng trong 41 vụ án của series BTT 1993, thế nên ở vị trí một người xem và cày gần hết các vụ án thì mình mong chờ một cái kết thực sự xứng tầm, thực sự là một phần phim có một cái kết đẹp để khép lại cả series với một ấn tượng đẹp. Thế nhưng, cái kết của Ngũ Thử náo Đông Kinh lại là một cái kết dở tệ, nực cười và nhạt nhẽo bậc nhất trong số các vụ án mà mình từng xem.

Spoiler alert: Triển Chiêu đi bắt yêu quái, bị trúng độc. Yêu quái đánh lấy lệ rồi quay lại… khuyên bảo tận tình và chân thành Triển Chiêu: « Ngươi đừng vận công quá sức nữa, chất độc sẽ chạy vào tim đó! » Triển Chiêu tất nhiên là chẳng đời nào nghe, có chết anh cũng phải bắt tội phạm về giao cho Bao đại nhân chứ! Rồi Xuân Ni và Ngũ Thử xông ra, yêu quái bị bắt. Triển Chiêu lăn ra ngất.

Xuân Ni xuống đại lao định ép Cửu Vĩ Hồ đưa thuốc giải. Cửu Vĩ Hồ… đưa ngay và luôn thuốc giải cho Xuân Ni, miệng nằn nì « Tôi có thể chuộc tội mà! » mà mặt vẫn không biến sắc. Cũng phải nói thêm là người của phủ Khai Phong đã khám Cửu Vĩ Hồ mà không thấy nên mới phải nhờ Xuân Ni, cứ tưởng Cửu Vĩ hồ giấu ở chỗ nào kín lắm, ai dè là ở trên… búi tóc (mà giờ là phạm nhân, lại còn vừa bị khám người xong mà vẫn quần áo trang điểm đầu tóc vẫn điệu đà y như cũ???)! Tôi cũng đến chịu cái kiểu làm việc của các ông ở phủ Khai Phong!

Thuốc giải chỉ có một, Triển Chiêu đương nhiên trượng nghĩa hy sinh bản thân để nhường thuốc giải cho Bạch Ngọc Đường. Và quả đúng như dự đoán, một liều thuốc giải khác sẽ xuất hiện đúng lúc cứu nguy cho Triển Chiêu, vì anh là nam chính, anh không thể chết như vậy được! Cuối cùng, Ngũ Thử được vua ban khen sau khi được Bao Công hết lòng nói đỡ, cũng như được người của phủ Khai Phong liều mình để tạo điều kiện cho họ lập công. Cô nàng Mạnh Xuân Ni thì không có công trạng gì cũng chẳng dính dáng gì đến Thái Hậu, lại được Thái Hậu nhận làm con nuôi, phong làm công chúa! Trời ơi, để cô nàng rắc rối này lấy quách anh chàng rắc rối Bạch Ngọc Đường cho thiên hạ thái bình thì tôi còn đỡ « máu dồn lên não » hơn!

Không những vụng về non tay, kịch bản của Ngũ Thử náo Đông Kinh còn để lộ ra sự cẩu thả, thiếu rà soát và liên kết với các phần phim khác để tạo nên một tổng thể nhất quán. Xây dựng nhân vật Triển Chiêu là người « không bao giờ biết nói dối » trong khi anh vốn là một người thông minh, mưu lược, hơn nữa với người mang trọng trách điều tra phá án thì một chút mưu mẹo là điều cần thiết. Không cần phải biến anh thành « Thánh nam » thì khán giả mới thích anh. Spoiler alert: Hơn nữa, ở đoạn cuối, không biết có nên gọi chi tiết Triển Chiêu đánh lừa Xuân Ni và nói dối Bạch Ngọc Đường để anh này uống viên thuốc giải duy nhất là một cú « tự vả vào mặt » ngoạn mục của kịch bản với nguyên mẫu “Triển Chiêu không biết nói dối” hay không. Cũng vẫn là nhân vật Triển Chiêu, ở đây hình tượng « chỉ hết lòng vì việc công mà không màng đến chuyện lập gia đình » đối chọi một cách vô lí với việc bản thân anh từng có một người vợ chưa cưới đã qua đời (Nguyệt Nương, được nhắc đến trong Hồng Hoa ký). Kịch bản của Ngũ Thử náo Đông Kinh cố ép Triển Chiêu thành một « thanh niên nghiêm túc » khô khan đội công việc lên đầu mà thờ trong khi chính cái sự đa tình của anh mới là điểm khiến tôi đặc biệt xúc động và đồng cảm với câu chuyện tình buồn mà đẹp như mộng với Chúc Thái Vân (Huyết Vân Phan truyền kỳ). Series này có độ dài đáng kể với một số lượng khá lớn các vụ án khác nhau, điều đó khiến việc chia nhau ra mà viết kịch bản là điều khó có thể tránh khỏi, nhưng một chút cẩn thận, nhìn trước ngó sau, tham khảo và bàn bạc với những biên kịch phụ trách các phần phim khác là điều khó đến vậy sao?

Kịch bản và xây dựng nhân vật dở tệ (nói thẳng ra thì kéo lại được mỗi Lư Phương là gây được cho CL chút cảm tình, còn lại đều gây khó chịu và ức chế vì sự vô lí của nhân vật), thiết nghĩ rằng nhận xét về diễn xuất là không cần thiết nữa (và bài viết này cũng đã quá dài rồi). Kịch bản, lời thoại cũng như tính cách của các nhân vật có lẽ đã khiến các diễn viên không biết đường nào mà diễn. Ngay cả Lưu Tú Văn, diễn viên mà mình từng cho là « vai nào cũng không ngán » giờ lại quá đuối với hình tượng Cửu Vĩ Hồ (mà mình hoàn toàn tin tưởng rằng diễn xuất của bà sẽ khởi sắc hơn nếu nhân vật này được xây dựng tốt hơn).

Nhớ mang máng hình như phần này có mấy cảnh võ nghệ cũng đẹp mắt (hay chỉ vì nó nói về Ngũ Thử nên mình cảm giác vậy nhỉ? Ức chế với kịch bản và nhân vật quá nên chẳng để ý…). Thôi cứ cho là mấy màn đấu võ đẹp xuất sắc đi, vì mình không có ý định xem lại để kiểm chứng đâu, nên cộng 0.5 điểm cho rating đỡ nát vậy!

Rating: 5/10

***

Xem review các phần phim khác của series Bao Thanh Thiên 1993 tại đây

***

Thông tin về biên kịch, đạo diễn và diễn viên được tham khảo từ các nguồn sau:
– Phần thuyết minh giới thiệu phim (Bản thuyết minh của Ngọc Thạch, Đài Truyền hình Hà Nội).
– Trang web Bách khoa người phương Đông:
bongdentoiac.wordpress.com/2011/11/12/bao-thanh-thien-film-1993/
– Trang Wikipedia Bao Thanh Thiên (phim truyền hình 1993)

6 thoughts on “[Review] Bao Thanh Thiên 1993 – Ngũ Thử náo Đông Kinh (Vụ 41)

  1. Vụ án này chỉ được cái là có nhiều pha đấu võ nên thích hợp với những người thích coi đánh đấm hơn là nội dung .Cách xây dựng những nhân vật Ngũ Thử quá cẩu thả, gượng ép, ngoại trừ Lư Phương thì những nhân vật còn lại đều rất … trẻ trâu, thù ghét Triển Chiêu 1 cách vô cớ khi mà chưa từng tiếp xúc để hiểu được Triển Chiêu là người thế nào . Ngũ Thử được miêu tả là “quân tử” những lại làm những chuyện không hề quân tử : Đi lấy trộm đồ của Bát Vương Gia, Thái Hậu, Bao Chửng là những người chẳng thù oán gì với họ , sau khi lấy trộm còn giá họa cho Triển Chiêu (ngậm máu phun người), “quân tử” kiểu gì vậy . Đây là vụ án cuối cùng của phim , đáng lẽ phải được chau truốt thật kỹ nhưng rất tiếc nhà làm phim lại tỏ ra cẩu thả trong việc xây dựng nội dung cũng như tính cách Ngũ Thử , đây là 1 trong những vụ án nhạt nhất trong phim .

    Liked by 1 person

  2. mình lại thấy TC trong phần này quá cứng nhắc, ông sư phụ sắp chết rồi, sư muội cũng có nói ko cưới thì thôi cứ nói lời tốt đẹp trước mặt ông sư phụ cho ổng yên tâm. Nhưng TC said “*éo” tại chỗ làm ông già ộc máu luôn @@ dù ổng có hơi vô duyên nhưng dù gì cũng là sư phụ mà, con Chu Chỉ Nhược còn hứa lèo Diệt Tuyệt được thì cớ gì có vài lời TC cũng ngại miệng??

    Liked by 1 person

    1. Đọc comment của bạn mà mình bật cười ha hả xD. Bạn nói rất đúng đó, tuy nhiên theo mình cũng một phần do ông cụ quá cứng đầu và cứ một mực ép duyên, dù cho Bao Công đã nhắc trước để là chuẩn bị tinh thần… Đến lúc sắp chết vẫn đòi hỏi, khổ Triển Chiêu tiến thoái lưỡng nan, nói kiểu gì cũng khó (với lối suy nghĩ tôn thờ người chết của văn hoá phương Đông và của thời kì lịch sử trong phim nói riêng, việc hứa cuội với người sắp chết rồi sau đó nuốt lời không khác gì tát vào mặt người chết, và đối với người như Triển Chiêu thì lòng dạ anh sẽ không thanh thản vì “sư phụ trên trời sẽ thất vọng vì đệ tử thất hứa”). Đó là cách giải thích của mình cho hành động “cứng nhắc” của TC. Nhưng mà túm cái váy lại thì nhận xét của bạn là một phần minh chứng cho việc xây dựng hình tượng các nhân vật ở phần này quá cẩu thả, gượng ép và vô lí.

      Like

  3. Thanks Linh, cứ thích đọc đi đọc lại các bài review của Linh vì quá có tâm, và đây lại là bộ phim tuổi thơ của mình. Linh còn bình phim này hay phim gì khác ở trang nào không, để mình “bay” qua đọc cho đỡ ghiền. Ahihii ❤

    Liked by 1 person

Leave a comment