Film review

[Review] Bao Thanh Thiên 1993 – Thanh long châu (Vụ 30)

*** Phần nội dung được viết vừa đủ để hình dung bối cảnh phim mà không spoil đoạn kết. Những chi tiết có khả năng spoil trong phần bình luận sẽ được báo trước và viết màu đỏ ***

Tên chiếu ở Việt Nam: Viên ngọc thanh long
Số tập: 6 (45 phút/tập)
Biên kịch: Lý Xương Dân
Đạo diễn: Tôn Thụ Bồi
Diễn viên chính:
Triệu Thụ Hải – vai Nhạc Thiên Thù
Cung Từ Ân – vai Nhiếp Tiểu Hồng
Dư Kế Khổng – vai Hà Khiêm
Cố Quán Trung – vai Vương Cán
Tăng Á Quân – vai Thái hậu
Thi Vũ – vai Tống Nhân Tông

***

Nội dung

Một đêm, thích khách đột nhập vào cung cấm gây náo loạn. Thích khách ấy là một cô gái, Nhiếp Tiểu Hồng, liều mình lấy cắp viên ngọc minh châu có khả năng kì diệu chữa lành bách bệnh của Thái hậu để cứu cha thoát bệnh hiểm nghèo. Thống lãnh Vương Cán, một người độc đoán và tham vọng, nhận nhiệm vụ đi truy lùng kẻ trộm. Nhiếp Tiểu Hồng không may bị thương trong lúc chạy thoát, cô tình cờ gặp Nhạc Thiên Thù, đại hiệp võ công cao cường với biệt danh Thiên lí độc hành, và Hà Khiêm, một thư sinh mọt sách chính hiệu đến mức buồn cười. Hai người cùng đồng hành với Tiểu Hồng, giúp cô thoát khỏi sự truy lùng ráo riết của Vương Cán và kịp về nhà cứu cha…

***

Bình luận

Thanh long châu là một phần phim xuất sắc về mặt lời thoại và xây dựng cá tính nhân vật, cũng như diễn xuất tài tình của dàn diễn viên.

Trong « gia tài chục vai » của Triệu Thụ Hải trong Bao Thanh Thiên 1993 thì Thiên lí độc hành Nhạc Thiên Thù là vai diễn mình thích nhất của anh. Thiên lí độc hành võ công cao cường, là người nghĩa hiệp, nhưng điều mình thích hơn cả là tính khí tưng tửng và duyên ăn nói « nói câu nào chết câu đó » của anh. Có thể kể ra ở đây một vài phân đoạn tiêu biểu:

1.

Nhạc Thiên Thù: Có phải cô nương hay có thói quen lấy kiếm chĩa vào người cứu mình không?

Nhiếp Tiểu Hồng: Tiểu nữ trên đường đi gặp kẻ xấu, may được huynh đài cứu giúp, xin đa tạ.

Nhạc Thiên Thù: Cô nương coi ngự tiền hộ vệ là kẻ xấu chặn đường, quả là một điều mới lạ đó!

2.

Nhạc Thiên Thù: Uống hết bát canh này đi!

Nhiếp Tiểu Hồng: Canh gì, sao mùi vị của nó thơm thế?

Nhạc Thiên Thù: Canh rắn đó (mặt không đổi sắc)

Nhiếp Tiểu Hồng: (Nhăn mặt, đưa trả)

Nhạc Thiên Thù: Uống hết đi, nếu muốn vét thương của cô chóng lành.

Vài hôm sau, khi băt gặp Tiểu Hồng đang bỏ đi:

« Dục tốc bất đạt, cô nương chạy nhanh thế kia, nếu vết thương lại bị vỡ ra thì lại phải ăn canh rắn nữa đấy! »

3.

Khi ngửi thấy bát canh mà cung nữ Thiền Nhi mang đến có mùi lạ:

Nhạc Thiên Thù: Trên đường đi đến đây ngươi có gặp ai không?

Thiền Nhi: Dạ gặp Vương Thống lãnh và Chu Phó tướng. Nhạc đại hiệp, chẳng lẽ bát canh này có vấn đề ư?

Nhạc Thiên Thù: Trước khi gặp Vương Thống lãnh thì không có vấn đề, nhưng sau khi gặp Vương Thống lãnh thì lại có vấn đề rồi. Tại hạ không có phúc được thưởng thức nó rồi!

4. Khi cùng Nhiếp Tiểu Hồng vào cung trả lại ngọc thanh long:

Nhạc Thiên Thù: Cổng thành đã đóng rồi, có lẽ chúng ta phải vượt tường thành để vào thôi.

Nhiếp Tiểu Hồng: Chẳng phải là huynh đang cầm Khâm tứ ngọc bội của Vương Cán sao? Sao không lấy ngọc bội ra gọi cửa có phải là đỡ phí sức không?

Nhạc Thiên Thù: Cũng được, vì thương hoa tiếc ngọc, ta đành phải làm Khâm sai đại thần một lần vậy!

Đoạn lấy ngọc bội…

Nhạc Thiên Thù: Mở cổng thành ra!

Gác cổng: Ai đấy?

Nhạc Thiên Thù: Khâm sai đại thần về kinh, còn không mau mở cửa cho ta à?

Gác cổng: Đại nhân xin chờ một lát, tiểu nhân sẽ mở cổng ngay!

Nhạc Thiên Thù (nói với Tiểu Hồng): Miếng ngọc bội này thật là lợi hại, sau khi vào thành, ta sẽ bảo họ chuẩn bị một cỗ kiệu để đón tiếp muội tử tế, nếu được sẽ đặt tiệc để muội tẩy trần!

Tôi đến chết với sự đáng yêu của đôi này mất!

Nói về võ công, Nhạc Thiên Thù vô địch thiên hạ môn Bích hồ công (tạm dịch một cách kém văn vẻ hơn là… leo tường), lại còn tay không bẻ gãy mũi tên bàng thép trước sự tẽn tò của Nhiếp Tiểu Hồng. Lại còn có thuật móc đồ siêu đẳng, trong chớp mắt đã móc được Ngọc thanh long trong người Nhiếp Tiểu Hồng và cả Vương Cán. May sao anh này là người ngay thẳng, không phải phường trộm cướp. Về cư xử, Nhạc Thiên Thù ăn nói sắc sảo, lí lẽ gãy gọn thuyết phục, khi cần vẫn rất khiêm tốn nhưng có uy lực, chứng tỏ cũng là người có học, có tài văn chương:

Bao Thanh Thiên: Nghe nói Bích hổ công của ngươi trong thiên hạ không ai sánh bằng?

Nhạc Thiên Thù: Bẩm Đại nhân, cao nhân tất hữu cao nhân trị, tuy tiểu nhân học võ từ nhỏ, nhưng quyết không dám nhận là người vô địch thiên hạ không ai sánh bàng đâu!

Sự khôn ngoan, sắc sảo của Nhạc Thiên Thù cũng đã giúp cả nhà họ Nhiếp bảo toàn mạng sống trước sự uy hiếp của Vương Cán.

Nói về Cung Từ Ân vai Nhiếp Tiểu Hồng: Cung Từ Ân vẫn đẹp, vẫn diễn hay và có nhiều cảnh võ thuật đẹp mắt, tuy nhiên bên cạnh những nhân vật nam có cá tính nổi bật ở phần phim này (Nhạc Thiên Thù, Hà Khiêm, Vương Cán) thì nhân vật của Cung Từ Ân có phần « lép vế » hơn và kém nổi bật hơn. Hơn nữa, so với những nhân vật nữ cá tính mạnh mẽ và riêng biệt khác mà Cung Từ Ân thủ vai (Chúc Thái Vân, Trương Di Phần) thì Nhiếp Tiểu Hồng là nhân vật có phần cổ điển hơn và khiến người ta ít nhớ về cá tính mạnh mẽ của cô hơn, mặc dù cá nhân mình thấy thân nữ nhi một mình xông vào cung cấm lấy trộm đồ thì cũng chẳng phải dạng vừa!

Vai Hà Khiêm được thể hiện bởi Dư Kế Khổng là nhân tố tạo nên tiếng cười cho phần phim. Một con mọt sách chính hiệu, trên vai lúc nào cũng vác theo một giỏ đựng đầy sách, nói chuyện thì lúc nào cũng phải trích sách thánh hiền, « trong sách có câu abcxyz », với giọng điệu lên bổng xuống trầm và nét mặt rất « thanh niên nghiêm túc » khiến người xem vừa phì cười vừa ngán ngẩm. Thậm chí còn đạt đến cảnh giới làm thơ trong lúc đi… đại tiện. Những màn cãi lộn, hục hặc giữa Nhạc Thiên Thù và Hà Khiêm cũng là điểm nhấn hài hước cho phần phim. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở việc trở thành nhân tố gây cười, nhân vật này còn đóng một vai trò mấu chốt trong câu chuyện, và cách biên kịch để người xem dần dần khám phá ra thân phận của anh được dẫn dắt rất tốt.

Cố Quán Trung tiếp tục có một vai phản diện xuất sắc. Bộ mặt nhơn nhơn đắc thắng của Cố Quán Trung góp phần thể hiện một Vương Cán kiêu căng, ngạo mạn, bất chấp tất cả để lập công, tạo lập danh tiếng, thăng quan tiến chức.

Tuyến nhân vật phụ trong phần phim này cũng có những sự thể hiện vô cùng nổi bật, nhất là Nhiếp đại nương – Lăng Vân Phi Yến và Mã Bất Quần – huyện lệnh huyện Bạch Hà. Lăng Vân Phi Yến từng là người hành tẩu trên giang hồ, cũng có tiếng tăm, tuy đã cao tuổi nhưng đường võ vẫn mạnh mẽ, chính xác. Nhạc Thiên Thù cướp lại được Ngọc thanh long từ tay Vương Cán là nhờ sự giúp đỡ của Lăng Vân Phi Yến. Ngoài ra, bà còn là một người phụ nữ thông minh, sắc sảo, rất tinh tường trước những cái bẫy của Bao Công và Triển Chiêu. Nhân vật phụ gây ấn tượng còn lại là Huyện lệnh huyện Thanh Hà Mã Bất Quần. Nét hài hước của phần phim không chỉ đến từ Nhạc Thiên Thù và Hà Khiêm, mà có cả sự góp sức của ngài Huyện lênh với những phân cảnh xét xử có một không hai ở nha môn huyện Bạch Hà:

« […] ngươi nói chó nhà họ cắn chết gà của nhà ngươi, vậy sao nhà ngươi không làm bừa thịt gà mà ăn, cớ sao lại phá giấc ngủ trưa của ta? »

Cũng chính vị Huyện lệnh nhỏ bé ấy đã đứng lên bênh vực dân chúng trước tên vô lại Vương Cán. Cũng chính ông đã dám đứng ra xin đươc chết thay Triển Chiêu, Trương Long, Triệu Hổ khi ba người này vì tránh để dân lành vô tội chết oan mà khi quân kháng chỉ.

***

Tóm lại, Thanh long châu là một phần phim hay, với đủ dự vị, hài hước có kịch tính có, cảm động có. Cốt truyện chặt chẽ, các tình tiết được xoay chuyển khéo léo; tuyến nhân vật đa dạng và thú vị. Chỉ có một điều khiến mình bực mình đó là Triển Chiêu cứ một mực xin chết dù anh chẳng có tội. Biết là để tránh Bao Công bị Thái sư uy hiếp, móc mỉa nhưng chẳng lẽ không có cách giải quyết nào khác là cái chết? Vì một chuyện dơt hơi không đánh như vậy?

 

Mình xin kết bài viết này bằng việc trích dẫn những lời thoại vô cùng hay và ý nghĩa trong phần phim:

« Nếu nước nhà có những luật lệ độc ác như vậy, giết hại những người con trung hiếu như Triển Chiêu, Trương Long, Triệu Hổ thì sao lại không thể tạo phản được? »

– Nhạc Thiên Thù – 

 

« Thái sư, có câu, người được lòng dân thì sống, mất lòng dân thì chết. Những kẻ làm quan, nếu coi dân là giặc, chụp lên đầu họ cái tội làm phản, thì việc mất thiên hạ có gì là lạ? »

– Bao Chửng –

Rating: 10/10

***

Xem review các phần phim khác của series Bao Thanh Thiên 1993 tại đây

***

Thông tin về biên kịch, đạo diễn và diễn viên được tham khảo từ các nguồn sau:
– Phần thuyết minh giới thiệu phim (Bản thuyết minh của Ngọc Thạch, Đài Truyền hình Hà Nội).
– Trang web Bách khoa người phương Đông:
bongdentoiac.wordpress.com/2011/11/12/bao-thanh-thien-film-1993/
– Trang Wikipedia “Bao Thanh Thiên (phim truyền hình 1993)”: Wikipedia – Bao Thanh Thiên (phim truyền hình 1993)

One thought on “[Review] Bao Thanh Thiên 1993 – Thanh long châu (Vụ 30)

  1. Thực ra vụ án cũng có 1 số chỗ không hợp lý, có lẽ chi tiết buồn cười nhất chính là “bằng chứng hối lộ của Dương Cán” (Hà thị lang sau khi nhận hối lộ của Dương Cán thì bắt hắn phải … ghi lại việc này vào giấy), thử hỏi là trên đời này có kẻ nào đã nhận hối lộ mà còn … để lại bằng chứng nhằm uy hiếp kẻ đưa hối lộ không ? rõ ràng là nếu tiết lộ chuyện này ra thì kẻ nhận hối lộ sẽ bị xử nặng hơn kẻ đưa hối lộ nữa , thứ hai là cái đoạn mà Dương Cán sai khiến ông chủ quán trọ đánh thuốc mê gia đình Tiểu Hồng để cướp Thanh Long Châu, thử hỏi là tại sao hắn không đầu độc cho họ chết quách luôn cho xong chuyện mà lại “nương tay” chỉ dùng thuốc mê thôi, những người này đang là khâm phạm triều đình, hắn chỉ cần nói là giết họ để lấy Thanh Long Châu thì chẳng ai làm gì được hắn, lạ một điều là hắn tha chết cho gia đình Tiểu Hồng (những kẻ mà hắn cần giết) nhưng lại giết ông chủ quán trọ trong khi việc này chẳng có lợi gì cho hắn mà có thể khiến gặp rắc rối . Ngoài ra có mấy chỗ hơi “ảo” là tại sao Dương Cán tài tình đến mức biết là bồ câu đưa thư của Bao Công sẽ bay qua chỗ nào để chờ sẵn mà bắn , rồi sao hắn lại “vui miệng” nói ra chuyện hắn giết gia đình Hà thị lang để cho cô nàng cung nữ nghe được và sau này làm chứng .

    Like

Leave a comment