Film review · Tiếng Việt

[Film review] Đoạn đường để nhớ (2002)- Một sự giản dị hoàn hảo

Tên phim : A Walk to Remember (Đoạn đường để nhớ)

Năm phát hành: 2002

Quốc gia: Hoa Kỳ

Đạo diễn: Alan Shankman

Thể loại: lãng mạn, chính kịch, học đường

Diễn viên chính: Mandy Moore, Shane West

See the source image

***Spoiler ở phần cuối – đoạn phân tích sâu hơn về một số cảnh và lời thoại – sẽ có thông báo (spoiler alert)***

Có điều gì đó cực kì đặc biệt ở Đoạn đường để nhớ khiến mỗi lần xem tôi đều khóc như mưa. Tôi nghĩ mình thuộc dạng dễ xúc động, nhưng có nhiều phim tình cảm lãng mạn, được nhiều khán giả thích mà tôi không cảm nổi vì độ sến sẩm, lời thoại và tình tiết “như phim”. Mặt khác có những phim tình cảm tuổi học trò tôi từng thích khi nhỏ, nhưng sau này trưởng thành hơn tôi không thích nổi nữa. Nói vậy để chốt lại một điều, nếu Đoạn đường để nhớ khiến tôi – một đứa con gái trưởng thành (tôi xem lần đầu năm 21 tuổi và giờ cuối đầu 2), miễn nhiễm với các thể loại hồng hường sến súa ngôn tình – lần nào cũng phải rơi nước mắt sụt sùi một cách vô tư, hẳn nó không phải và không thể chỉ là một bộ tình cảm tuổi teen xem cho vui rồi quên. Đoạn đường để nhớ không có bất cứ nguyên liệu nào của những công thức ăn khách mà Hollywood hay dùng. Mô-típ trai hư gặp gái ngoan đã được khai thác đi khai thác lại, không có những cảnh quay điện ảnh đẹp mê hồn, không có một cốt truyện đầy tình tiết và những cú twist khó đoán, không có một bối cảnh chính trị – xã hội đầy biến động hay những ngăn trở cấm đoán trong tình yêu, không có yếu tố thần tiên kỳ ảo, không có những cảnh u buồn sầu thảm để cố tình lấy nước mắt người xem, không cảnh sex, Đoạn đường để nhớ chỉ đặc biệt bởi nó chạm đến những đề tài rất người, rất thân thuộc – tình yêu, niềm tin, sự tha thứ, tình cảm gia đình – một cách giản dị, chân thành và trong trẻo. Và theo tôi, cách gây ấn tượng đó vô cùng khó. Thêm nữa, Đoạn đường để nhớ cho tôi thứ mà tôi luôn muốn thấy trong từng bộ phim: sự chuyển biến trong suy nghĩ và nội tâm của nhân vật nhờ những tình tiết rất đợi thường nhưng rất có sức nặng.

Jamie Sullivan và Landon Carter gần như không có điểm gì giống nhau. Landon thuộc nhóm những thành viên cool ngầu, nổi bật của trường, thích mua vui bằng cách bày những trò ngốc nghếch, thậm chí tai hại. Trong một lần những trò đùa của Landon và đám bạn gây hậu quả nghiêm trọng (một học sinh của trường bị họ dụ nhảy cầu, bị chấn thương và nằm liệt giường), Landon bị buộc tham gia những hoạt động như dạy thêm hay diễn kịch, để cậu « làm quen với những người khác » như lời thầy hiệu trưởng. Và Landon bắt đầu tiếp chuyện với Jamie và nhờ cô giúp đỡ cậu tập luyện cho buổi kịch.

« Landon Carter cần đến sự trợ giúp của mình ư?

Ừ! Làm ơn…

-Ok, với một điều kiện…

-Điều kiện gì?

-Cậu phải hứa là cậu sẽ không yêu tớ! »

Jamie, cô gái khác biệt và kì lạ mà cậu biết từ lâu nhưng luôn coi thường và giễu cợt sau lưng cô. Jamie chẳng hề quan tâm đến bề ngoài như các cô gái cùng trang lứa, cô không trang điểm, không ăn mặc thời thượng, không tham gia những cuộc tụ tập chơi bời nhậu nhẹt. Jamie chẳng hề quan tâm đến việc bạn bè trêu chọc vì cô mặc những bộ đồ cổ lỗ sĩ hay vì cô đam mê tìm hiểu thiên văn. Landon, dù vẫn không thoải mái khi nói chuyện với Jamie, bắt đầu cảm thấy tò mò về cô gái này: cậu tò mò về việc cô lẻn vào nghĩa trang ban đêm, và về danh sách những điều cô cần thực hiện. Nhưng Landon vẫn là một cậu học trò chỉ thấy được giá trị của bản thân trong việc được bạn bè chấp thuận, thậm chí ngưỡng mộ. Thế nên, vì sĩ diện trước mặt đám bạn, Landon tiếp tục khiếm nhã với Jamie. Jamie nhẹ nhàng bỏ đi, nhưng quyết không chịu tiếp Landon khi cậu đến nhà xin lỗi. Có lẽ tôi thích nhất Jamie ở điểm đó. Jamie tốt bụng, ngọt ngào, đến mức nhạt nhoà và khó hoà nhập với bạn cùng trang lứa, nhưng cô không phải mẫu con gái ngờ nghệch và dễ bắt nạt. Jamie thông minh, hiểu chuyện và có lòng tự tôn cao của một cô gái trưởng thành và sâu sắc. Tôi đặc biệt ấn tượng với sự sắc bén của Jamie khi cô đáp trả lời chọc ghẹo của Dean, một cậu bạn trong nhóm Landon:

« Nếu Đấng Tối cao nhiều quyền năng như vây, sao Ngài không thể mua cho cậu một cái áo len mới nhỉ?

-Vì Ngài quá bận bịu đi tìm bộ não của cậu! »

Nhưng có lẽ bước ngoặt trong sự chuyển biến tâm lí của Landon là buổi kịch, khi cậu ngẩn ngơ nhìn Jamie toả sáng trên sân khấu với váy áo lộng lẫy và cất tiếng hát. Jamie đẹp, nhưng đến bây giờ Landon mới nhận ra, vì cậu đã quá bận bịu trêu chọc và mỉa mai những bộ đồ lỗi thời và những mỗi quan tâm khác biệt của Jamie. Từ giây phút đó, cách cư xử của Landon cũng khác. Đỉnh điểm là lúc cậu đấm Dean vì trò đùa ác ý nhắm vào Jamie mà cả hội bày ra. Tôi đặc biệt thích phản ứng quyết đoán, không do dự của Landon lúc tiến đến trước mặt Dean, nhưng thích hơn cả là cách cậu an ủi Jamie: giọng nói khẽ khàng, cử chỉ dịu dàng và lời nói, tất cả đều đơn giản đến hoàn hảo.

Và khi Landon quyết định đến trước mặt cha xứ, bố của Jamie – một người có phần khó tính thậm chí đôi lúc hơi bảo thủ, luôn giữ định kiến rằng Landon là một cậu trai hư – để thuyết phục ông cho phép cậu đưa Jamie đi chơi, tôi hoàn toàn đổ gục trước cậu trai này. 

« Cháu chỉ xin bác một điều, chính là điều mà bác luôn luôn dạy chúng cháu, đó là niềm tin. »

Cậu thực sự rất thông minh và khéo léo, và khi cậu không còn cần dùng nó vào những trò vui tai hại vô bổ, cậu sẽ dùng để cư xử đúng mực, để làm Jamie vui bằng việc giúp cô thực hiện những điều chưa làm trong danh sách, và để theo đuổi những mục tiêu lớn hơn của chính cậu. 

Tất nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó, Đoạn đường để nhớ có lẽ sẽ chẳng gây nhiều xúc động đến thế. Sẽ phải có những khoảng trầm, và đối với những người tinh ý, có lẽ những gì xảy đến ở nửa sau bộ phim tương đối dễ đoán. Cái hay của Đoạn đường để nhớ, đó là cách bộ phim kể câu chuyện của hy vọng và sự lạc quan, của sự tha thứ và hàn gắn ngay trong chính nỗi đau và mất mát. Có thể người ta khóc vì Đoạn đường để nhớ là một câu chuyện buồn. Tôi cũng vậy, nhưng có lẽ phần nhiều vì tôi yêu và nể phục những nhân vật vừa đáng yêu ngọt ngào, vừa thông minh mạnh mẽ, và vừa đôi chút mong manh rất người. Bộ phim làm được điều đó nhờ vào chất lượng kịch bản và diễn xuất vô cùng đạt của Mandy Moore và Shane West (và cả dàn diễn viên phụ). Ấn tượng hơn cả, đó là việc Mandy khi ấy mới 17 tuổi và là lần đầu cô thủ một vai chính (hiếm khi nào một nhân vật tuổi teen lại được thủ vai bởi một diễn viên với tuổi đời trẻ hơn nhân vật như vậy). Kịch bản phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Nicholas Sparks, có thay đổi một chút về tình tiết và bối cảnh nhưng theo tôi vẫn truyền tải đầy đủ tinh thần của câu chuyện gốc. Có những bình luận người xem cho rằng nó ướt át, thiếu thực tế và đôi chỗ hơi sách vở. Tôi thì thấy phim đưa vào vừa đủ những sự ngọt ngào cần có của một bộ phim tình cảm lãng mạn một cách chân thực (và tôi nghĩ đó cũng là sự ngọt ngào cần có của những mối quan hệ tình cảm lãng mạn ngoài đời), không hề đến mức sến sẩm, tô hồng tô hường quá đà. Hơn nữa, Nicholas Sparks lấy cảm hứng từ chính câu chuyện có thật của em gái mình, nên dù đan cài những yếu tố lãng mạn thì tính chân thực của câu chuyện là khó có thể bàn cãi. Có một vài câu trích từ Kinh Thánh có lẽ thật sự hơi giáo điều, bản thân tôi không quá thích, nhưng nhìn chung những chi tiết đó khá nhất quán với nhân vật (Jamie là con gái cha xứ và có đức tin khá mãnh liệt). Và nếu bạn không theo đạo thì không sao, bạn vẫn hoàn toàn có thể thích bộ phim này (tôi cũng chẳng phải người theo đạo), bởi những tình tiết liên quan đến Thiên chúa giáo trong phim chỉ thuộc về mảng bối cảnh: Jamie không cố gắng cải đạo ai, và nhân vật của cô vẫn thu hút tôi như vậy dù những câu thoại có liên quan đến Chúa có xuất hiện trong kịch bản hay không. 

Kết truyện được bỏ ngỏ để người đọc chơi vơi và phải tự đặt ra giả thuyết của riêng mình, còn phim lại đưa đến một cái kết rõ ràng hơn. Tôi không muốn so sánh vì cả hai cái kết đều có điểm mạnh riêng. Với cái kết phim, tôi thích cách nó không đưa lên màn ảnh hay kể lại bằng lời thoại giây phút đau lòng của sự mất mát, mà tiến thẳng đến thời điểm một vài năm sau đó để người xem thấy được « phép màu » thực sự là gì (xem Bonus 10 nếu bạn không ngại spoiler :D). Diễn tả nỗi đau, nhiều phim, nhiều diễn viên đã làm và sẽ làm. Đoạn đường để nhớ không né tránh phải diễn tả nỗi sợ phải đối mặt với đau thương, nhưng khi nó đến, Đoạn đường để nhớ chọn cách làm bật lên sự lạc quan và cách mà tình yêu thương có thể thay đổi và hàn gắn con người dù là trước hay sau mất mát. Đoạn đường để nhớ là một sự giản dị hoàn hảo, tưởng ngắn mà cũng đủ dài để mà nhớ mãi, khóc mãi, và cũng mỉm cười mãi.

Spoiler alert:

Bonus : Những cảnh phim và lời thoại mà tôi đặc biệt thích:

  1. Khi Landon nhờ Jamie giúp cậu tập kịch

« Landon Carter cần đến sự trợ giúp của mình ư?

Ừ! Làm ơn…

-Ok, với một điều kiện…

-Điều kiện gì?

Cậu phải hứa là cậu sẽ không yêu tớ! »

Nhiều người có lẽ sẽ nhíu mày vì câu nói này của Jamie (và tôi lần đầu cũng vậy). Nhưng sau đó xem lại thì tôi thấy xót xa nhiều hơn. Nhất là khi sau đó, cô nhắc Landon nhớ lại lời hứa của mình:

« Anh yêu em, Jamie! […] Bây giờ là lúc để nói điều gì đó, phải không?

Anh đã hứa là anh sẽ không yêu em! »

Và nét mặt Jamie thoáng buồn…

2. Cảnh Landon bảo vệ Jamie khi bạn bè cậu bày trò chế giễu cô.

3. Cảnh Landon đến xin cha Jamie cho phép cậu hẹn hò với cô.

4. Cảnh Landon đưa cô đến biên giới 2 bang để cô có thể ở hai nơi cùng một lúc, và cảnh cậu dán miếng đề can bươm bướm lên vai Jamie để cô có một « hình xăm ». Hai trong số những dự định của cô đã được thực hiên.

5. Cảnh Jamie thú nhận bệnh tình của mình với Landon, và cảnh Landon lái xe sau đó trong nước mắt.

6. Cảnh trong bệnh viện:

« Em nghĩ là Chúa có một kế hoạch dành cho em. Chúa gửi anh đến cho em khi em đang bệnh! »

Nó khiến tôi nghĩ đến lời bài hát « Only Hope » mà Jamie hát trong buổi nhạc kịch:

« Sing to me of a plan that you have for me over again! »

7. Cảnh Landon đến tìm bố (cậu luôn giận bố, người mà cậu cho rằng đã bỏ mẹ con cậu để đến với một người phụ nữ khác) xin ông giúp Jamie chữa trị. Bố cậu là bác sĩ tim, nên ông không chắc mình sẽ giúp được Jamie. Landon giận dữ bỏ đi. Vài ngày sau, khi biết được ông trả tiền điều trị tại gia cho Jamie để cô có thể về nhà dưỡng bệnh, Landon quay lại gõ cửa, ôm lấy bố mình và khóc. Một chàng trai luôn cố gắng mạnh mẽ trước mặt bạn gái để động viên tinh thần cô, giờ đây cũng chính cậu đang không thể kìm nén nỗi đau trong vòng tay của bố mình.

7bis: Những cảnh bạn bè Landon đến tìm cậu sau khi biết Jamie bị bệnh để xin lỗi vì những trò đùa ác ý trước đây và được Landon bỏ qua.

8. Cảnh Landon chế tạo kính viễn vọng trên ban công nhà Jamie và khiêu vũ cùng cô.

9. Cảnh cầu hôn và đám cưới.

10. Cảnh kết khi Landon trở lại thăm bố Jamie sau 4 năm: 

« Con rất tiếc vì Jamie đã không thấy được phép màu mà cô ấy mong muốn.

Có, nó thấy rồi chứ. Phép màu chính là con! »

Và sau đó khi cậu tự thoại lúc hoàng hôn buông xuống trên bến cảng:

« Tôi luôn luôn nhớ Jamie. Tình yêu của chúng tôi như một cơn gió. Tôi không thể nhìn thấy, nhưng tôi có thể cảm nhận thấy nó. »

Leave a comment